BỆNH TAY CHÂN MIỆNG HIỆN NAY VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG

Hiện nay, bệnh tay chân miệng đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến khá phức tạp vào những tháng cuối năm 2024, theo báo cáo từ hệ thống quản lý bệnh truyền nhiễm, tính từ đầu năm đến ngày 21/11/2024 trên địa bàn huyện Phú Tân đã phát hiện 108 cas bệnh và xử lý 08 ổ dịch, riêng chỉ trong một tháng kể từ ngày 21/10/2024 đến 21/11/2024 đã phát hiện 36 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, chiếm tỉ lệ 33,3% tổng số ca mắc trong 11 tháng, các xã có số ca mắc tay chân miệng khá cao tập trung nhiều ở Bình Thạnh Đông, Phú Hưng, Phú Thọ, Phú Lâm, Hoà Lạc, Phú Hiệp. Đây cũng là thời điểm các cháu tập trung đến trường, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan ra cộng đồng là điều khó tránh khỏi.

Bệnh tay chân miệng hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, trẻ có thể tử vong nhanh chóng do các biến chứng trên não, tim, phổi.

Để chủ động phòng bệnh tay chân miệng, mọi người cần tuân thủ khuyến cáo “03 sạch” của Bộ Y tế: “Bàn tay sạch và đồ chơi sạch; ăn uống sạch; ở sạch” cụ thể như sau:

  1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tả và làm vệ sinh cho trẻ.
  2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như ly, chén, dĩa, muỗng, đồ chơi chưa được khử trùng.
  3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
  4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
  5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
  6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao, kém ăn, mệt mõi, đau họng, hay nổi các bóng nước vùng lòng bàn tay, bàn chân, niêm mạc miệng, lưỡi, ngũ thường giật mình chới với, mắt đảo, đi đứng loạn choạng, yếu chi, co giật…hãy nhanh chóng đưa trẻ đến Trung tâm Y tế huyện hoặc cơ quan y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời./.

Tổ truyền thông Trung tâm Y tế Phú Tân