Ngày thế giới phòng, chống bệnh sốt rét 25/4

Tại kỳ họp thứ 60 Đại Hội Đồng Y tế Thế giới tháng 5/2007 đã ấn định ngày 25/4 hằng năm là Ngày Thế giới phòng chống sốt rét. Đây là ngày để ghi nhận nỗ lực toàn cầu nhằm kiểm soát bệnh sốt rét một cách hiệu quả. Mục đích của sự kiện này là cho các quốc gia đang ở trong vùng bị ảnh hưởng bởi bệnh sốt rét có cơ hội học hỏi và hỗ trợ lẫn nhau để cùng chống lại căn bệnh này.

Việt Nam đã xây dựng chiến lược đến năm 2025 sẽ loại trừ sốt rét do nhiễm ký sinh trùng Plasmpdium falciparum và định hướng đến năm 2030 toàn bộ sốt rét do nhiễm các loại ký sinh trùng khác đều được loại trừ. Theo lộ trình, đến năm 2025 không còn địa phương nào còn ở giai đoạn phòng, chống sốt rét; 8 địa phương ở giai đoạn loại trừ sốt rét và 55 địa phương ở giai đoạn đề phòng sốt rét quay trở lại.

Những năm gần đây, tại Việt Nam tỷ lệ mắc bệnh sốt rét và tử vong do sốt rét đã giảm trên toàn quốc. Tuy nhiên các chuyên gia y tế cảnh báo bệnh sốt rét vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại do ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc điều trị. Vì vậy người dân cần trang bị kiến thức về bệnh sốt rét để biết cách phòng chống bệnh.

Bệnh sốt rét và cách phòng bệnh:
Bệnh sốt rét là bệnh truyền nhiễm do 5 loài ký sinh trùng Plasmodium gây nên gồm Plasmodium falciparum, Plasmodium vivax, Plasmodium malariae, Plasmodium ovale và Plasmodium knowlesi.
Bệnh lây truyền từ người này sang người khác qua trung gian truyền bệnh chủ yếu là do muỗi Anopheles. Bệnh thường biểu hiện bằng những cơn sốt rét điển hình với ba triệu chứng: rét run, sốt, vã mồ hôi.

Tác hại của bệnh sốt rét
– Gây thiếu máu: Do ký sinh trùng vào trong máu nên chúng phá vỡ hàng loạt hồng cầu, dẫn đến thiếu máu, da xanh, môi thâm, mệt mỏi, gầy yếu.
– Gan to, lách to.
– Trẻ em bị mắc bệnh sốt rét cơ thể còi cọc chậm lớn, kém thông minh.
– Phụ nữ có thai mắc sốt rét dễ gây sảy thai, đẻ non hoặc khi sinh nở dễ mắc phải những tai biến.

Các biện pháp phòng bệnh sốt rét
– Để phòng bệnh sốt rét cần tránh bị muỗi đốt, mọi người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
– Thường xuyên ngủ màn, ngay cả ban ngày và màn cần được tẩm hóa chất diệt muỗi. Đây là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh sốt rét.
– Sử dụng một số biện pháp xua đuổi muỗi như: dùng vợt muỗi, nhang đốt muỗi, thoa kem chống muỗi, khi làm việc vào buổi tối cần được trang bị quần áo dài tay để đề phòng muỗi đốt.
– Cần vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở, loại bỏ những nơi trú ẩn của muỗi như phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, sắp xếp vật dụng trong nhà ngăn nắp, sạch sẽ, quần áo phải được xếp gọn gàng không nên treo hay móc quần áo trên tường làm chỗ cho muỗi đậu…
– Những người đi làm ở vùng rừng núi cần mang theo màn để ngủ, trước khi đi nên đến cơ sở y tế để được cấp thuốc uống phòng và khi trở về từ vùng rừng núi nên đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, nếu có bị sốt rét sẽ được điều trị kịp thời.
– Khi thấy các triệu chứng của bệnh sốt rét như: Rét run, sốt nóng sau đó vã mồ hôi hoặc cảm thấy ớn lạnh, gai rét, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Ở Việt Nam, trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của Chính phủ, Bộ Y tế, Chính quyền các cấp, các Tổ chức quốc tế và sự phối hợp của các Bộ, ngành, hoạt động phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở nước ta được duy trì và triển khai có hiệu quả. Tỷ lệ mắc và tử vong do sốt rét liên tục giảm hàng năm.

Tuy nhiên, hoạt động phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét còn nhiều khó khăn, thách thức. Bệnh sốt rét có nguy cơ bùng phát gia tăng số mắc, số chết, gây dịch do: Ký sinh trùng sốt rét còn cao ở các tỉnh Bình Phước, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông, Phú Yên, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Thuận; ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc điều trị có nguy cơ lan rộng; muỗi truyền bệnh sốt rét lưu hành ở nhiều nơi và đã kháng một số hóa chất diệt muỗi làm giảm hiệu quả của các biện pháp phòng bệnh sốt rét; di biến động dân khó kiểm soát giữa các địa phương từ vùng không còn sốt rét vào vùng sốt rét lưu hành; giao lưu dân qua biên giới với các nước có sốt rét lưu hành cao và có ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc như Lào, Campuchia và các nước Châu Phi; tập quán sử dụng các biện pháp bảo vệ cá nhân của người dân thấp nên có nguy cơ mắc bệnh sốt rét cao. Do đó, các hoạt động phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét rất cần tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, đầu tư của nhà nước và các cấp chính quyền trong những năm tới để duy trì ổn định những thành quả giảm mắc, giảm chết do bệnh sốt rét gây ra và đạt được các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam.

Các địa phương có bệnh sốt rét lưu hành, đặc biệt là các vùng trọng điểm về sốt rét và sốt rét kháng thuốc, chính quyền các cấp và ngành y tế địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí hàng năm cho công tác phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét theo phân cấp, đáp ứng nhu cầu về nguồn lực cho công tác phòng chống và loại trừ sốt rét ở địa phương; tích cực phòng chống bệnh sốt rét, tuyên truyền người dân sử dụng các biện pháp bảo vệ cá nhân (ngủ màn tẩm hóa chất, dùng kem xua muỗi,…); giám sát, phát hiện và điều trị kịp thời bệnh nhân sốt rét, đặc biệt các vùng có sốt rét kháng thuốc cần sử dụng thuốc thay thế theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; xử lý ổ bệnh nhằm ngăn chặn và cắt đứt nguồn lây nhiễm ra cộng đồng, duy trì ổn định những thành quả giảm mắc, giảm chết do bệnh sốt rét gây ra và thực hiện đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét theo lộ trình.

Đối với các tỉnh đã loại trừ bệnh sốt rét cần tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát nhằm duy trì tình trạng không có sốt rét, tập trung vào việc giải quyết các vấn đề liên quan đến sốt rét ngoại lai và ngăn ngừa bệnh sốt rét quay trở lại, góp phần tích cực vào công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Ds. Lê Thị Kim Yến (Khoa Dược – TTB-VTYT TTYT Phú Tân)